Theo Sputnik, trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh cuối thế kỷ 20, tác chiến chống tàu ngầm (ASW) luôn là ưu tiên hàng đầu đối với phương Tây. Nhưng những cáo báo mới nhất cho thấy NATO hiện nay có thể không có khả năng tự phòng vệ trước các mối đe dọa tàu ngầm hiện đại từ Nga.
Tàu ngầm hạt nhân K-560 Severodvinsk, thuộc lớp Yasen hiện là một trong những tàu ngầm hiện đại nhất của Hải quân Nga. K-560 Severodvink được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tinh vi cũng như khả năng làm giảm tiếng ồn khi hoạt động. Quan trọng hơn, tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa chống hạm, ngư lôi, mìn và có khả năng di chuyển ở tốc độ 35 hải lý/giờ.
Tàu ngầm hạt nhân K-560 Severodvinsk thuộc lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh Sputnik |
Biểu tượng sức mạnh hạm đội tàu ngầm Nga, K-560 là ví dụ điển hình cho thấy trong môi trường tác chiến chống ngầm, NATO chưa thể đối trọng được với Hải quân Nga, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong báo cáo mới nhất.
"Khả năng tổ chức, tình báo cũng như năng lực hỗ trợ mạng lưới tác chiến chống ngầm của NATO ở phía Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic đã không còn tồn tại", báo cáo cho biết.
Nhà nghiên cứu hải quân Norman Polmer nói trên trang Breaking Defense rằng, có hai vấn đề xuất hiện kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ: "Đó là việc hạm đội tàu ngầm Nga ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong khi năng lực tác chiến chống ngầm của NATO lại suy giảm đáng kể".
Một hệ thống chống ngầm hoàn chỉnh cần có các hệ thống cảm biến đặt dưới nước, máy bay tuần tra tầm xa, tàu ngầm và cả tàu nổi.
Báo cáo của CSIS kêu gọi toàn bộ các quốc gia thành viên NATO cần tham gia vào việc nâng cao năng lực chống ngầm, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh đang có dấu hiệu sa sút trong những năm gần đây.
Năng lực tác chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đang ở mức thấp nhất, kể từ sau khi London quyết định cho nghỉ hưu các máy bay tuần tra tầm xa vào năm 2011. Hải quân Hoàng gia Anh cũng không còn tàu sân bay hoạt động kể từ năm 2014.
Mỹ sở hữu hạm đội lớn nhất trong liên minh, nhưng lại đang phải đóng quân rải rác khắp nơi trên thế giới. Với chiến lược xoay trục của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hải quân Mỹ tập trung ở Thái Bình Dương nhiều hơn, đặc biệt là ở Biển Đông và chỉ để lại một phần hạm đội có năng lực chống ngầm ở châu Âu.
Pháp là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất ở châu Âu nhưng hiện nước này vẫn chỉ tập trung vào khu vực Địa Trung Hải mà chưa vươn đến những khu vực khác như phía Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic.
"Nói tóm lại, năng lực chống ngầm của NATO đang suy giảm", ông Jerry Hendrix, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ nói trên Breaking Defense. "Liên minh đang yếu trong việc đáp ứng với các mối đe dọa tàu ngầm từ Nga".
Đăng Nguyễn
No comments:
Post a Comment