Chiều ngày 2/6, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông” ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cùng với đại diện Bộ Tài Chính và các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trả lời nhiều thắc mắc về thu phí BOT trong thời gian qua.
Trước những ý kiến hoài nghi về sự minh bạch của các dự án BOT, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, thu phí BOT có 5 vấn đề cần minh bạch đó là chủ trương và quy mô thế nào; Thứ hai là lựa chọn nhà đầu tư ra sao; Thứ ba là phương án tài chính của dự án; Thứ tư là quá trình đầu tư xây dựng; Thứ năm là thu phí hoàn vốn, chống thất thoát thế nào.
Đánh giá về sự minh bạch thu phí BOT trong thời gian qua, ông Trường cho hay, thời gian qua chúng ta có phần chưa thực sự quan tâm công khai những vấn đề này để người dân biết, nắm rõ để từ đó kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi tọa đàm Ảnh: Hoàng Nam |
Vị Thứ trưởng này nhấn mạnh, vấn đề minh bạch thu phí hoàn vốn, hiện có 4 cơ quan theo dõi, kể cả nhà đầu tư cũng phải theo dõi để biết. Bộ GTVT cũng theo dõi qua các phần mềm kết nối với trạm thu phí; Thứ 3 là các ngân hàng theo dõi thu phí, quản lý thu để hoàn vốn. Thứ 4 là các cơ quan thuế để biết mức thu thế nào, thu đúng – thu đủ để tránh thất thoát.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn thường xuyên có các đoàn kiểm tra giám sát như: Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính… Vì thế chúng ta không phải quá lo lắng về việc thất thoát thu phí.
Chúng ta có thể hiểu làm BOT là làm tất cả các dự án giao thông, chứ không phải chỉ xây dựng mỗi đường cao tốc. Nguồn vốn xây dựng từ vay tín dụng. Tuy nhiên, theo Nghị định 78 năm 2007 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh- Chuyển giao, thì chủ đầu tư phải có 15 - 20% vốn chủ sở hữu.
Vì thế, suất đầu tư của dự án BOT phải cộng thêm lãi vay nên suất đầu tư cao hơn dự án vốn ngân sách. Khi chúng ta xây dựng phương án đầu tư, phải tính thời gian hoàn vốn, vì thế đưa ra kết quả thu phí bao nhiêu năm từ suất đầu tư như vậy được tính toán rất cụ thể, khoa học.
Đối với các nhà đầu tư có năng lực, có thể tự thực hiện dự án, tự vay vốn ngân hàng để thi công. Nếu không đủ năng lực thì chọn nhà thầu để xây dựng dự án đó.
Trước những câu hỏi về thời gian thu hoàn vốn, ông Nguyễn Hồng Trường giải đáp, trong quá trình ký hợp đồng với nhà đầu tư có hai ràng buộc. Thứ nhất là trong quá trình xây dựng thu phí, chúng ta chỉ mới dự kiến. Chẳng hạn là dự kiến 20 năm, còn sau đó Bộ GTVT sẽ tính lại thời gian hoàn vốn và thường thấp hơn ban đầu vì sẽ loại được dự phòng phí, trượt giá, định mức nhân công.
Nếu dự án đó thi công ngắn hơn so với quy định còn dôi ra kinh phí dự phòng. Hợp đồng quy định điều chỉnh thời gian thu phí khi lưu lượng phương tiện có biến động. Quá trình đó có biến động dưới 5% thì phải điều chỉnh thời gian thu phí và trên 7% cũng phải điều chỉnh lại. Nếu nhỏ hơn 5%, lưu lượng xe ít hơn nhà đầu tư chịu thiệt và ngược lại 7% thì nhà đầu tư được lợi, sẽ rút ngắn thời gian thu phí.
Trước chúng ta quy định điều chỉnh trong thời gian 5 năm, nhưng nay tính theo từng năm.
PV
No comments:
Post a Comment