Tuesday, June 28, 2016

Sở GDĐT Bình Dương khuất tất trong tuyển dụng viên chức ?

Tin tức mới cập nhật khi nhiều ứng viên và các phụ huynh có phản ánh đến báo Người Đưa tin về những vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Bình Dương. Trong đơn, trong lời phản ánh, các ứng viên cho rằng Sở này tuyển dụng quá “khắt khe” và thiếu công bằng.

  Sở GDĐT Bình Dương khuất tất trong tuyển dụng viên chức ? - Ảnh 1

Thông báo tuyển dụng của Sở GDĐT Bình Dương

Tuyển dụng thiếu công bằng?

Các ứng viên và một số phụ huynh có những bức xúc: “Học ngoại ngữ đã rất khó khăn so với các ngành khác vì thế trong quá trình học tập, con em chúng tôi lo phấn đấu học đạt các chỉ tiêu, chứng chỉ liên quan để đủ điều kiện ra trường. Khi ra trường, các em lại rất tâm huyết muốn được phục vụ trong ngành giáo dục tỉnh nhà nhưng khi tuyển dụng thì Sở rất ưu tiên đối với các ứng viên bộ môn khác và ứng viên cử tuyển (sinh viên nguồn) còn những ứng viên khác thì quá 'khắt khe'.

Các bộ môn khác chỉ cần xét tuyển, ứng viên cử tuyển được tuyển thẳng còn ứng viên, ứng tuyển bộ môn tiếng Anh lại bị phỏng vấn năng lực đầu vào theo chuẩn ngoại ngữ châu Âu, vậy ở đây công bằng ở đâu?”.

Ngoài bức xúc trên thì một số ứng viên lại cho rằng: “Chúng tôi đã phải 'đáp ứng' đủ các loại chứng chỉ mà Sở GDĐT Bình Dương yêu cầu ngay từ khâu nộp hồ sơ. Dù đã đầy đủ nhưng Sở lại bắt phải phỏng vấn. Trong khi đó, hội đồng đánh giá, phỏng vấn lại là cán bộ của Sở và một số giáo viên Anh văn đang dạy ở các trường cấp 3.

Phải chăng là hội đồng này 'to hơn' các trung tâm ngoại ngữ được Bộ GDĐT cho phép đào tạo cấp phép chứng chỉ B2, C1... Những môn khác chỉ xét tuyển còn tiếng Anh lại phỏng vấn, làm như vậy thì có đảm bảo công bằng khi tuyển dụng như giáo viên các môn khác như văn, toán, sử, địa, sinh .... và tiếng Anh hay không?”.

Ngoài ra, thông tin khác phản ánh được ghi nhận, khi các ứng viên dự tuyển giáo viên dạy tiếng Anh phải “trầy trật” lo lắng về việc phỏng vấn Anh văn thì các ứng viên cử tuyển lại được phép tuyển thẳng như công văn 899 nêu rõ. Và trên thực tế, các sinh viên nguồn, được cử đi học lại là những sinh viên có tỷ lệ rớt tốt nghiệp, rớt phỏng vấn tiếng Anh nhiều nhất (điều này thể hiện rõ vào kết quả rớt phỏng vấn tiếng anh năm học 2015-2016, Sở nắm rõ), vì vậy họ đặt ra câu hỏi những sinh viên nguồn này đã “làm gì” khi đi học?”.

“Con em chúng tôi quá 'bầm dập' phải không, tại vì ngoài việc tốt nghiệp đại học phải có chứng chỉ B2 hoặc C1 mới được nhận hồ sơ nhưng nhận xong hồ sơ còn phải trải qua cửa ải phỏng vấn năng lực của Sở. Cuối cùng có đủ chuẩn các chứng chỉ rồi nhưng không rõ có được đi dạy hay không? Chỉ mong mọi việc diễn ra 'minh bạch', công bằng để các ứng viên có cơ hội như nhau”, phụ huy các ứng viên mong mỏi.

Thông báo khiến người đọc hiểu nhầm

Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, PV báo Người Đưa tin đã liên hệ Sở GDĐT tỉnh Bình Dương nhằm thông tin đa chiều đến dư luận trong và ngoài tỉnh.

Qua trao đổi, ông Lê Nhật Nam - Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cho biết Sở tiếp nhận những ý kiến phản ánh. Tuy nhiên liên quan đến việc Sở tuyển dụng viên chức 2016-2017 thì ông Nam cho biết đã làm đúng quy định.

“Bộ môn ngoại ngữ rất cần thiết đến kiến thức thực tế, sự nhanh nhạy, linh hoạt, khả năng giao tiếp,... Vì vậy việc Sở đưa ra phỏng vấn năng lực ngoại ngữ đầu vào là để nắm bắt được năng lực từ thời điểm ban đầu. Hơn nữa, việc phỏng vấn các ứng viên ngoại ngữ được thực hiện nhiều năm qua, theo một số đề án, chủ trương của trung ương và tỉnh”, ông Nam nói.

Cụ thể, Sở GDĐT Bình Dương đã căn cứ theo Nghị định số 29 ngày 12/4/2012 của Chính phủ về việc quy định trong xét tuyển có kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ, nghiệp vụ,... của người dự tuyển; Căn cứ theo thông tư số 16 ngày 28/12/2012 của Bộ Nội Vụ về quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức có tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành. Bên cạnh đó, ông Nam cũng có nhắc lại lời ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT vừa phát biểu tại một hội thảo liên quan đến tuyển dụng giáo viên tiếng Anh đó là: “Đối với giáo viên được tuyển dụng mới, phải đánh giá năng lực tiếng Anh để đảm bảo chất lượng và năng lực tiếng anh đạt chuẩn theo quy định. Không vì thiếu giáo viên mà tuyển người không đạt chuẩn”.

  Sở GDĐT Bình Dương khuất tất trong tuyển dụng viên chức ? - Ảnh 2

Theo ông Nam do thông báo ghi như vậy nên người đọc hiểu nhầm còn thực tế các sinh viên nguồn vẫn phải phỏng vấn năng lực đầu vào đối với ứng tuyển bộ môn tiếng Anh như các ứng viên khác.

Cũng theo ông Nam thì đây là kiểm tra sát hạch, năng lực thực tế người dự tuyển khi tuyển dụng nhằm đảm bảo yêu cầu, vị trí việc làm,… theo đề án ngoại ngữ quốc gia của Bộ đến năm 2020 và đề án nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh giai đoạn 2012-2017 đã được tỉnh Bình Dương phê duyệt.

“Việc kiểm tra không nhằm bác bỏ kết quả B2,C1 của các ứng viên mà nhằm sát hạch năng lực thực tế của ứng viên khi tuyển dụng. Nếu các ứng viên không có các chứng chỉ đó, Sở đã không nhận hồ sơ. Sở coi các chứng chỉ đó là nền tảng nhưng phải kiểm tra đầu vào để đánh giá được năng lực thực tế, “người thật – chứng chỉ thật. Việc thi tuyển hoặc phỏng vấn năng lực đầu vào đối với các ứng viên dự tuyển dạy tiếng Anh đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay”, ông Nam khẳng định.

Khi chúng tôi nhắc đến thông báo tuyển dụng của Sở tại phần IV (Quy định về hồ sơ đăng ký dự tuyển) có ghi “Sinh viên tạo nguồn của tỉnh Bình Dương được ưu tiên xét tuyển thẳng khiến nhiều ứng viên khác bức xúc vì sự thiếu công bằng, ông Nam khẳng định: “Các sinh viên nguồn thường được ưu tiên tuyển thẳng” nhưng đó chỉ là đối với bộ môn khác. Còn đối với bộ môn tiếng Anh, sinh viên nguồn vẫn phải dự phỏng vấn năng lực đầu vào như các ứng viên thông thường khác, không có sự ưu tiên ở đây. Dẫn chứng là mới đây nhất, vào năm 2015-2016, các sinh viên nguồn vẫn phải thi năng lực đầu vào, một số em không vượt qua nên năm nay sẽ tiếp tục dự phỏng vấn năng lực đầu vào như các ứng viên khác.

Riêng năm nay về môn tiếng Anh, không có các ứng viên cử tuyển vì vậy thông báo có nêu “Các sinh viên nguồn thường được ưu tiên tuyển thẳng” đó là đối với bộ môn khác, không dành cho tiếng Anh. Ở đây do công văn viết chưa rõ nên có chút “hiểu nhầm”, ông Nam cho biết.

Liên quan đến các vấn đề tuyển dụng, một số giáo viên ở một số tỉnh phía Nam đã chia sẻ cho PV Người Đưa tin những “chuyện vui” trong quá trình xét tuyển, thi tuyển của mình.

Chị Huỳnh Thu T. giáo viên dạy hợp đồng môn tiếng anh một trường tiểu học nói: “Cả nước thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng nhưng bao nhiêu năm tôi vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, không thể 'khá' hơn được”.

Còn anh Nguyễn Tuấn A. giáo viên dạy môn toán, cấp 2 nhớ lại: “Tôi đã 3 lần thi tuyển viên chức, lần đầu và lần thứ 2 bị trượt nhưng may mắn ở lần thứ 3 tôi đã biết 'rút kinh nghiệm' nên đã đỗ".

Còn anh Phan Minh H. mỉm cười nhớ lại: "Hai lần thi viên chức tôi đều bị đánh rớt dù nhận thấy năng lực bản thân có, nhưng đến giờ tôi vẫn không thể biết được lý do bị rớt".

Nguyễn Nhâm

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment