Phụ huynh "hoang mang" vì tấm giấy khen của con
Ảnh chia sẻ tờ giấy khen ghi “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” của một phụ huynh ở Hà Nội nhận được nhiều tranh luận của các bậc phụ huynh. Anh Đ.D chia sẻ ảnh giấy khen ghi rõ trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội khen thưởng ngày 25/5/2016 với dòng tâm trạng: "Mình thật không hiểu con được khen mặt gì nữa. Thật hoang mang quá!".
Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” được phụ huynh chia sẻ trên Facebook. |
Chia sẻ với vị phụ huynh này, một Facebooker viết: "Thật bó tay với giấy khen của trường này. Định đánh đố phụ huynh à? Không hiểu danh hiệu học sinh khen từng mặt là như thế nào? Giấy khen như thế này thì không biết cần để làm gì khi mà cả phụ huynh và học sinh đều không hiểu.
Chắc chỉ để cho có, gọi là có bằng khen. Sao cứ phải phức tạp lên như thế. Cứ như ngày trước xuất sắc, giỏi, tiên tiến, trung bình, yếu cho dễ hiểu".
Cũng về tấm giấy khen "Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt", chị Bích Thuận, một phụ huynh có con đang học tiểu học ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ trên báo Dân trí, nhìn giấy khen của các con thì thấy mỗi nơi ghi một kiểu không thống nhất.
“Trường con mình cũng “khen toàn diện” và “khen từng mặt”. Với “khen toàn diện” thì cụm từ này chung. Còn “khen từng mặt” thì khen con mặt nào, sẽ ghi rõ mặt đó”, chị Thuận nêu ý kiến.
Chị C.T. - một phụ huynh khác chia sẻ trên báo Dân trí, kể câu chuyện vui về cậu con trai: “Con mình đưa giấy khen cho mẹ rồi tuyên bố xanh rờn Từ nay con thoát kiếp “người hầu” vì con đã được chứng nhận là chủ nhân của Thăng Long”.
“Nói rồi, con chìa giấy khen cho mẹ xem, đúng là có danh hiệu đó thật (Giấy khen "Đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long" - PV). Mình cũng không hiểu, mãi đến khi hỏi cô giáo mới được biết là khen về đạo đức. Còn một chiếc giấy khen nữa về thành tích học tập mà theo lý giải của giáo viên, nó tương đương với thành tích học sinh tiên tiến trước đây" - chị C.T nói.
Phụ huynh một trường tiểu học ở nội thành Hà Nội thì chia sẻ bất bình trên báo Tuổi trẻ: “Giấy khen của con tôi ghi “Con biết đá cầu rất giỏi”. Khen thì khen cho đáng, không thì thôi. Khen thế này, mang giấy khen về nhà cũng phải giấu đi, ai thấy người ta cười cho. Nếu tôi không thông cảm với cô giáo thì còn nghĩ cô xỏ xiên gì đấy!”.
"Do" Thông tư 30!
Nói về giấy khen "Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt", bà Trần Thị Tám, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) xác nhận trên báo Phụ nữ Việt Nam, giấy khen đó đúng là của trường mình.
Theo bà Tám, sở dĩ giấy khen ghi vậy là do nhà trường thực hiện theo thông tư 30, trường có hai hình thức khen học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt.
Nói về việc phụ huynh không biết con mình được khen từng mặt là khen về điều gì, bà Tám nói: "Thực ra là phải cụ thể hóa ra là từng mặt đấy là các em nổi trội mặt nào, ví dụ nổi trội về môn Toán, môn Tiếng Việt, hay thể dục thể thao,…
Nhưng chúng tôi cũng dùng từ hơi chung quá là "khen từng mặt". Nhà trường đã nhận ra lỗi của mình khi khen khó hiểu nên chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để những năm sau ghi cụ thể hơn".
Trong khi đó, một số giáo viên tiểu học các trường khác cũng cho rằng, đánh giá qua điểm số như trước đây đơn giản và dễ dàng. Nhưng từ khi áp dụng thông tư mới này, để tránh cho phụ huynh bức xúc, thầy cô đã phải dành thời gian để “quy đổi” lời khen.
Giấy khen "Có tinh thần tương thân tương ái". Ảnh: Vietnamnet |
Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) trả lời trên báo Dân trí cũng cho hay việc ghi giấy khen sao cho phù hợp với học sinh và để phụ huynh cũng an tâm quả không dễ chút nào. Tuy nhiên, vận dụng đúng Thông tư 30, cuối năm nhà trường khen theo hình thức mỗi cháu phải có một lời khen riêng sao cho thích hợp với quá trình học tập. Chẳng hạn, học sinh xuất sắc thì ghi: “Học sinh hoàn thành nhiệm vụ toàn diện” hoặc “Học sinh hoàn thành tốt môn Toán/hoàn thành tốt môn Tiếng Việt”, “Học sinh hoàn thành tốt môn Đạo đức”...
Báo Tuổi trẻ thì dẫn lời bà Dương Thị Nụ, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phương cho biết: “Thông tư 30 để mở cho các trường linh hoạt trong việc ghi nội dung khen thưởng học sinh. Vì thế, cách khen như thế nào do mỗi trường quy định. Lãnh đạo trường tôi thống nhất hai nội dung khen: “khen toàn diện” (đối với học sinh đạt thành tích học tập, rèn luyện tốt mọi mặt) và “khen từng mặt” (đối với học sinh đạt thành tích tốt một mặt nào đó). Cách thay đổi như thế này, theo chúng tôi hiểu là giảm áp lực thành tích từ phía phụ huynh, cũng giảm căng thẳng cho học sinh. Việc khen chỉ mang tính động viên, khích lệ các con thôi”.
Cũng theo bà Nụ: "Mảng “khen” là một trong những mảng việc khiến giáo viên tiểu học thời điểm này mất nhiều thời gian. Chưa kể phải ghi nhận xét học bạ theo thông tư 30. Ban giám hiệu nhà trường sợ giáo viên sơ suất, để xảy ra những nhầm lẫn, sai sót nếu phải “cụ thể hóa” từng trường hợp. Bởi vậy chỉ thống nhất hai nội dung: khen toàn diện và khen từng mặt!”.
Một giáo viên chủ nhiệm một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng than trên báo Tuổi trẻ: "Nhiều phụ huynh phản ứng thái quá và thiếu sự cảm thông với những lời khen lạ tai”.
Theo giáo viên này, để nhận xét đủ cho 55 học sinh lớp 5, kịp trả học bạ cho các em trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo đã dành thời gian cả tuần, phải tranh thủ cả giờ nghỉ giải lao, thức đêm để làm...
“Mất công sức đã đành, nhưng tôi khổ nhất là việc viết nhận xét, viết lời khen. Bởi nếu rập khuôn giống nhau thì không phải tinh thần đổi mới, mà nhận xét từng học sinh để có sự khác biệt cũng rất khó, khi không phải học sinh nào cũng có điểm nổi trội, có thành tích đặc biệt. Vì thế, có những học sinh nhận được lời khen trung tính cũng là việc bất khả kháng” - giáo viên này chia sẻ.
Với Thông tư 30, việc ghi vào giấy khen như thế nào là quyết định của giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng. Do đó, mỗi trường lại có cách ghi lời khen khác nhau khiến phụ huynh cũng hoang mang như trong "ma trận": Đơn cử những giấy khen ghi lời khen: Đạt học sinh toàn diện hoặc Nổi bật về phát triển phẩm chất, Nổi bật về phát triển năng lực, Đạt giải Nhì trong kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp trường, Giải Nhì cuộc thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ cấp trường, Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học, Đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long, Đạt thành tích tốt nội dung học tập các môn học và phát triển năng lực, phẩm chất, Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt, Có tinh thần tương thân tương ái, Con biết đá cầu rất giỏi... Trong khi đó, không ít phụ huynh cũng cho rằng, với tình trạng giấy khen tràn lan như hiện nay sẽ không còn sự trang trọng, thiêng liêng khi mỗi học sinh được nhận tấm giấy khen vào lúc kết thúc năm học. |
Lê Thanh (T/h)
No comments:
Post a Comment