Thông tin này được đăng tải đầu tiên trên tờ The Guardian (Anh). Theo báo Anh, Trung Quốc có kế hoạch lần đầu tiên thực hiện tuần tra răn đe hạt nhân.
The Guardian dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc giấu tên nói rằng, chỉ các hoạt động tuần tra như vậy mới đảm bảo an toàn cho Trung Quốc trước hệ thống vũ khí Mỹ.
Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh minh họa. |
Trong khi Trung Quốc không xác nhận hay phủ nhận thông tin trên The Guardian, tờ Nhân dân Nhật báo, ngày 29/5 đã dẫn lại bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, đưa ra một số bình luận đáng chú ý.
Theo đó, bài viết cho rằng hoạt động tuần tra răn đe hạt nhân là yếu tố cần thiết để phô diễn năng lực hạt nhân của Trung Quốc đối với Mỹ. Các chính trị gia ở Washington không có cái nhìn toàn diện về tiềm năng hạt nhân của Bắc Kinh.
Năm 2012, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên Herman Cain nói rằng ông không biết Trung Quốc là một cường quốc hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “răn đe hạt nhân hiệu quả”, phụ thuộc vào một số lượng đầu đạn hạt nhân hạn chế so với các cường quốc hạt nhân khác.
“Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung chưa thể hạ nhiệt, Trung Quốc cảm thấy cần thiết phải tăng cường khả năng trả đũa hạt nhân. Điều này góp phần cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khiến Mỹ phải tìm kiếm hòa bình với Trung Quốc”, bài viết Nhân dân Nhật báo đăng tải có đoạn cho biết.
Theo đó, Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển công nghệ hạt nhân, với khả năng phóng tên lửa từ trên biển và trên đất liền. Bài viết nhấn mạnh “khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân Trung Quốc” đã được cải thiện đáng kể.
“Lịch sử đã cho thấy khi cán cân quyền lực cân bằng sẽ góp phần tốt hơn vào hòa bình. Trung Quốc nên mở rộng kho vũ khí hạt nhân, tăng cường khả năng sống sót cũng như năng lực tấn công mục tiêu. Đó là nền tảng quan trọng nhất trong vấn đề an ninh quốc gia Trung Quốc”, bài viết phân tích.
Bắc Kinh vẫn đang theo đuổi chính sách răn đe thận trọng, tuyên bố sẽ không bao giờ là bên sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong trường hợp xảy ra xung đột và tách riêng cơ sở lưu trữ tên lửa với đầu đạn. Hai cơ sở hạt nhân đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo cấp cao.
Trung Quốc nghiên cứu công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo suốt hơn ba thập kỷ nhưng chưa triển khai trên thực tế do vấn đề kỹ thuật và chính sách liên quan.
Việc Trung Quốc điều động tàu ngầm hạt nhân được dự đoán sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực.
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ từng dự báo Bắc Kinh sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược tuần tra Thái Bình Dương vào năm 2014, nhưng cuối cùng hoạt động này vẫn chưa xảy ra.
Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc trình lên quốc hội Mỹ lưu ý rằng, Trung Quốc có thể sẽ sớm có đợt tuần tra răn đe hạt nhân đầu tiên trong năm 2016. Nhưng không rõ là thời điểm nào.
Đăng Nguyễn
No comments:
Post a Comment