Tuesday, May 31, 2016

Thuốc kháng sinh cho lợn dùng 'vô tội vạ': Chữa bệnh hay tăng trọng?

Bàn tràn lan, dùng “vô tội vạ”

Chúng tôi tìm về xã Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và tạt qua một quầy bán thuốc thú y nằm gần UBND xã để mua thuốc kháng sinh cho lợn.

Khi phóng viên hỏi về các loại thuốc bị hạn chế sử dụng trong chăn nuôi (các loại thuốc chỉ được sử dụng 1 liều nhất định theo kê đơn của bác sĩ thú y - PV), ông chủ cửa hàng nói: “Gớm có tất, bán thuốc thú y mà không có mấy loại kháng sinh cơ bản ấy thì có mà chết à. Nào mua những loại gì nào?”.

  Thuốc kháng sinh cho lợn dùng 'vô tội vạ': Chữa bệnh hay tăng trọng? - Ảnh 1

100% các trại chăn nuôi gà, lợn được khảo sát đều sử dụng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Thấy nhiều người đang đợi, tôi chủ động mua sau. Trong lúc chờ đợi chủ cửa hàng bán cho những người khác tôi quan sát có người mua những loại vắc xin về tiêm cho vật nuôi, người mua cả túi ước chừng tầm 3 - 4 lạng thuốc kháng sinh không bao bì, không nhãn mác. Thậm chí, có cả kháng sinh dạng nước được đựng trong các chai nước ngọt để trong tủ đông…

Chờ tầm 10 phút, thấy hết khách, ông chủ quay sang gọi tôi lại: “Nào mua loại gì nào, mua cả mấy cái loại vừa nói ấy à?”. “Không cháu chỉ mua một ít Maduramicin thôi ạ”, tôi nói. Chủ cửa hàng hỏi lại: “Thế mua 2 lạng luôn nhé”.

Điều khiến chúng tôi thấy lạ là chủ cửa hàng chẳng hề hỏi lợn hay vật nuôi làm sao, bị bệnh gì, ông chủ quán nhanh nhẹn vào trong lấy ra một túi Maduramicin đưa cho tôi. Thấy nguyên liệu không nhãn mác, tôi liền hỏi: “Sao không có nhãn mác gì hả bác?”.

Chủ quán gắt gỏng: “Ơ hàng nguyên liệu mà, đúng Maduramicin tinh đấy, chưa qua pha chế đâu”. “Vâng thế cái này bao nhiêu tiền hả chú?”, “100 nghìn hai lạng”. Tôi liền đưa tiền và ra về. Ông chủ quán ới theo: “Thuốc của chú là thuốc tốt đấy, dùng hết lại qua đây, cái gì chú cũng có cho mày”.

Cũng để tìm hiểu về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, chúng tôi theo chân một người bạn về một gia đình chăn nuôi lớn tại xã thuộc huyện Quốc Oai – Hà Nội. Theo người này, ở đây nhà ai cũng nuôi lợn, ít thì 5 - 7 con, nhiều thì đến cả trăm con. Từ ngày sát nhập vào Hà Nội, người dân ở đây cũng khấm khá hơn nhờ chăn nuôi.

Dẫn tôi vào nhà một người tên T. được giới thiệu là nuôi lợn cả chục năm nay, phải khó khăn lắm chúng tôi mới được chứng kiến quy trình cho lợn ăn kèm thuốc kháng sinh của chủ trại.

Theo quan sát của PV, đàn lợn nhà ông có khoảng 50 con, con nhỏ tầm 20 kg, con lớn khoảng 70kg. Chủ nhà kể: “Một lứa lợn từ lúc mua về tới khi xuất chuồng cho ăn kèm thuốc kháng sinh khoảng 3 – 4 lần. Mỗi lần cách nhau một tháng”.

“Khi sử dụng mình không cần hướng dẫn gì hả chú?”, ông chủ nhà đáp: “Cần gì, tôi chăn nuôi cả chục năm nay rồi, bác sĩ thú y còn kém tôi ý chứ. Chúng tôi nuôi dựa trên kinh nghiệm là chính, chỉ cần lợn lớn nhanh mà không mắc bệnh là được rồi”.

Thời điểm phóng viên tới cũng là thời điểm chủ nhà cho sử dụng thuốc kháng sinh theo định kỳ. Theo quan sát, ông đổ khoảng 40kg cám ra và trộn với 2 lạng thuốc kháng sinh dạng bột sau đó cho đàn lợn ăn.

Chừng 15 phút, đàn lợn đã ăn hết chỗ cám trên. Mời tôi vào nhà uống nước, ông chủ nhà nói: “Chỗ 20 con đấy đang đúng thời kỳ lớn nhanh, gia đình đang chăm hết sức để khoảng 1 tháng nữa là xuất chuồng. Cả làng này từ xưa tới nay vẫn dùng thế, chứ mỗi lần cho lợn dùng kháng sinh lại gọi bác sĩ thú y tới thì lấy đâu ra tiền”.

Hiểm họa thực phẩm “ngậm” kháng sinh

Theo số liệu được công bố từ dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại 5 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2015 của cục Thú y cho thấy, có đến 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn. 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng.

Những loại kháng sinh được “điểm mặt chỉ tên” chủ yếu là Amoxcillin, Tetracilin, Lincomycin, Gentatylo, Enrofloxacin, Dexamethasone, Neomycin… Đáng chú ý, có khoảng 3% số hộ từng sử dụng kháng sinh trong danh mục hạn chế, cấm sử dụng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người chăn nuôi, giết mổ với suy nghĩ đơn giản rằng kháng sinh để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, đồng thời, sau khi giết mổ, thịt của vật nuôi được “ướp” kháng sinh để bảo quản lâu và tốt hơn nhiều chất bảo quản khác.

Tuy nhiên, việc lạm dụng khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Những thức ăn này vào cơ thể trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS. TS Nguyễn Hữu Đức (khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM) chỉ rõ thực trạng, hiện nay người chăn nuôi dùng thuốc kháng sinh không phải để chữa bệnh, mà để kích thích tăng trưởng.

Khi sử dụng quá nhiều sẽ tích lũy lại bên trong cơ thể và người tiêu dùng sẽ ăn luôn chất kháng sinh đó. Và, nó gây hiện tượng đề kháng kháng sinh.

  Thuốc kháng sinh cho lợn dùng 'vô tội vạ': Chữa bệnh hay tăng trọng? - Ảnh 2

PGS Nguyễn Hữu Đức - khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh Vnexpress

Theo ông Đức, kháng sinh sử dụng do bác sĩ kê đơn đúng liều và đủ thời gian sẽ tiêu diệt vi khuẩn. Còn, nếu người tiêu dùng thường xuyên ăn phải thực phẩm có chất kháng sinh, lâu ngày sẽ bị nhờn thuốc, mỗi khi cần sử dụng thuốc sẽ không hiệu quả.

Nguy hiểm hơn, có thể gây ra hiện tượng đột biến gen. Nó trở thành trục đề kháng, sản sinh từ 1 ra nhiều vi khuẩn, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT), ngoài chất cấm, các địa phương phải thanh kiểm tra về vấn đề kháng sinh.

Trước hết là kiểm tra từ thịt, trứng, sữa để truy xuất các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đại lý và chuồng trại. Nếu phát hiện kháng sinh ngoài doanh mục, hoặc cấm phải xử lý nghiêm. Cũng có hiện tượng tuồn kháng sinh từ phía y tế sang, hoặc dùng loại hết hạn sử dụng cho chăn nuôi nhưng cần tiếp tục điều tra, xác minh thêm.

Công Luân

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment