Mô hình giáo dục mới (VNEN) tiếp tục gây chú ý khi một số tỉnh sau nhiều năm triển khai xin dừng nhân rộng. Đặc biệt, tại Nghệ An, phụ huynh kéo đến trường phản đối việc con họ phải theo học mô hình này.
Từng được ngành giáo dục kỳ vọng làm thay đổi cả thầy và trò, VNEN đang đứng trước nguy cơ “phá sản”. Điều gì khiến nó bị phản đối và liệu đề án kết thúc, Bộ GD&ĐT có hết trách nhiệm?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục để có những ý kiến khách quan xung quanh vấn đề nóng này.
Không phù hợp làm theo kiểu đối phó!
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Lý do khiến mô hình VNEN thất bại là áp dụng có thể tốt với nước khác nhưng hoàn cảnh Việt Nam không thích hợp, dẫn đến việc làm theo kiểu thành tích, đối phó”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Lớp 40-50 học sinh, giáo viên làm sao sát được?". Ảnh: Internet. |
Theo ông Nhĩ, nhận xét học sinh không qua chấm điểm thì phải sát mới làm được nhưng với lớp 40-50 học sinh, giáo viên làm sao nhận xét được?. Từ chỗ không sát, không nhận xét chính xác, giáo viên đối phó bằng cách nhận xét nào cũng giống nhận xét nào. Vậy nhận xét làm gì?.
Tiếp nữa là làm các con dấu đóng qua, đóng lại không thực chất dẫn đến có hại hơn có lợi. Nước họ lớp rộng hàng trăm m2, học sinh có thể di chuyển rồi quay lại nhóm, còn chúng ta, bàn trên quay lại bàn dưới không ra nhóm. Lớp học đông, học sinh không được giáo viên sâu sát hướng dẫn tự học nên học không hiệu quả, phụ huynh phản đối, lý do rất rõ như vậy”.
Theo tìm hiểu của PV, dự án VNEN kết thúc vào tháng 5/2016. Sau 4 năm thực hiện, mô hình được bộ GD&ĐT rầm rộ triển khai mang lại được gì hay lại là “rút kinh nghiệm” sau hàng loạt ý kiến phản đối. Đặc biệt, 4 năm, hàng nghìn học sinh tiểu học, THCS được đưa ra làm “chuột bạch”. Ai sẽ cho các em lời lý giải thỏa đáng hay dự án kết thúc, Bộ GD&ĐT cũng hết trách nhiệm?.
Một lớp học theo mô hình VNEN tại Hà Nội. Ảnh: Đ.Thơm |
Trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục
Chia sẻ về việc nếu mô hình VNEN “phá sản”, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi học sinh bị đưa ra làm “chuột bạch”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn: “Trách nhiệm chắc chắn thuộc về ngành giáo dục. Đề án nghiên cứu thực hiện mà không có sự cân nhắc, áp dụng mà không thành công thì phải chịu trách nhiệm. Đó là điều hiển nhiên”.
Vị nguyên Thứ trưởng cũng liên tưởng về câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” để nói về mô hình VNEN.
“Vấn đề là chúng ta phải nhìn tổng thể. Mô hình đó có thể là hay với nước họ nhưng lại là dở với nước mình. Mô hình VNEN không phù hợp với điều kiện của VN nên phụ huynh phản đối là đúng thôi. Và, điều này đã được nhiều chuyên gia giáo dục dự báo ngay từ lúc triển khai, tiếc là Bộ GD&ĐT đã bỏ qua các góp ý này”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên là Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cũng chia sẻ: “Có một kinh nghiệm từ giáo dục đại học tôi thấy THPT nên rút kinh nghiệm. Hiện nay, nếu mà đóng cửa không học tập kinh nghiệm của quốc tế, của nước ngoài mà tự biên tự diễn là điều không ổn. Nhưng tiếp thu những kinh nghiệm nước ngoài thì mỗi nước có điều kiện khác nhau.
Có một nguyên tắc là phải cố gắng thận trọng, xem xét xem mô hình ở nước họ thành công nhưng ở Việt Nam liệu có giống?. Có khi rất nhiều cái hay ghép vào với nhau lại dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma” nên phải đảm bảo tính hệ thống của chương trình...
Một điều nữa tôi rất băn khoăn là trên thế giới có nhiều nước nền giáo dục phát triển, ngành giáo dục không học hỏi mà lại học mô hình của một nước không phải ưu việt về giáo dục”.
Đỗ Thơm
No comments:
Post a Comment