Bên hành lang QH sáng 30/10, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận một số ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) xung quanh báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Chồng chéo chức năng, dân "dài cổ" chờ". Ảnh: Đỗ Thơm |
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu thực trạng: “Việc phân cấp phân quyền chưa thực hiện được như chúng ta mong muốn. Trong khi, Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ nhưng các Bộ, ngành lại ngược lại, không mạnh dạn thực hiện phân cấp phân quyền.
Theo tôi, không thể để tự Chính phủ, các Bộ, ngành kéo dài việc phân cấp, phân quyền chậm chạp mãi được. QH phải có quyết định của mình theo thẩm quyền của QH, theo yêu cầu của đồng bào cử tri. QH phải giám sát và giám sát thấy thì phải có quyết định trong Nghị quyết”.
Nội dung thứ hai được ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề cập là vấn đề hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí và xử lý các việc chậm. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Trong báo cáo giám sát có đề cập đến vấn đề đó nhưng báo cáo giám sát chưa xác định nguyên nhân vì sao, chưa phân tích sâu và chưa “điểm huyệt” được thực trạng.
Theo tôi, việc hội họp, lãng phí gây ra chậm xử lý công việc của dân là do bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ còn dàn trải 4 cấp, từ Trung ương đến địa phương. Tất cả đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó, một việc mà do cả 4 cấp đều làm đương nhiên phải họp và phải xin ý kiến cấp trên.
Mỗi một cấp lại để đầy và nghiên cứu và không có chế định nào về việc này. Thiệt thòi trước hết sẽ thuộc về người dân, doanh nghiệp. Chính điều đó đẻ ra vấn đề “chạy”, “né tránh” trách nhiệm. Bởi vì chúng ta phân định không rõ, quá nhiều cấp, quá nhiều người đứng đầu chịu trách nhiệm thì ai chịu! Vì thế, hội họp nhiều là đúng rồi. Theo tôi, chúng ta phải “bấm” đúng huyệt. Một việc, một cấp, một người đứng đầu chịu trách nhiệm thôi. Báo cáo giám sát chưa chỉ ra một cách cụ thể vấn đề này, trách nhiệm của ai, sao để tình trạng đó kéo dài và vấn đề có được giải quyết khi Nghị quyết của QH ra đời. Theo tôi phải đặt vấn đề trọng tâm và xử lý dứt điểm, nói đi đôi với làm. Và làm được mới chấm dứt tình trạng “ăn theo” vấn đề này là việc gì khó đẩy lên cấp trên. Cấp trên lại đẩy lên trên nữa. Người dân thì “dài cổ” chờ đợi giải quyết”.
Vấn đề thứ 3 được ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh là vấn đề con người, nhân sự. “Chúng ta hiện nay có 4 cấp chính quyền. Như tôi nói ở trên, nhiệm vụ, chức năng… chồng chéo, dàn trải, cào bằng. Chính vì thế, kỳ này, tôi đề nghị phải đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ của cấp chính quyền xã, phường, thị trấn. Đây là cấp chính quyền sát dân nhất. Từ việc xác định cụ thể vai trò, nhiệm vụ, chức năng của cấp chính quyền này mà xác định biên chế bao nhiêu để đảm bảo phục vụ người dân hiệu quả, chất lượng”.
Đỗ Thơm
No comments:
Post a Comment