Monday, October 31, 2016

Đặt cọc 2 triệu đồng để được đăng ký: UBND xã phải xin lỗi người dân

Mới đây, anh Nguyễn Minh Đ. (SN 1992, thôn Quang Trung, xã Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam) cùng vợ sắp cưới là chị Nguyễn Thị Nh. (Nam Định) tới trụ sở UBND xã Thanh Hà đăng ký kết hôn đã bị cán bộ xã thẳng thừng từ chối làm thủ tục. Nguyên nhân được vị cán bộ đưa ra là, anh Đ. từ chối đóng 2 triệu đồng tiền “đặt cọc” cam kết không đốt pháo, đánh bạc ở đám cưới theo quy định của UBND xã.

Phải "đặt cọc" 2 triệu đồng mới được đăng ký kết hôn, nhiều cặp đôi cảm thấy bức xúc. (Ảnh mang tính minh họa).

Việc này được vị Chủ tịch UBND xã Thanh Hà – ông Nguyễn Trung Kiên, xác nhận với báo giới và lý giải rằng: xã Thanh Hà là địa bàn nóng về tệ nạn đốt pháo, đánh bạc ở đám cưới hỏi trong những năm gần đây. Để xử lý triệt để tình trạng này, UBND xã có thông báo yêu cầu nam, nữ khi đăng ký kết hôn phải tự nguyện nộp số tiền 2 triệu đồng và cam kết, trước, trong và sau đám hỏi, đám cưới, không được đốt pháo và đánh bạc. Nếu vi phạm, số tiền 2 triệu đồng sẽ coi như dùng để xử lý vi phạm hành chính, còn ngược lại, chính quyền xã sẽ hoàn trả.

Được biết, xã Thanh Hà đã thực hiện quy định này từ đầu năm 2014 và khi ra thông báo không lấy ý kiến của người dân.

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với một số đại biểu Quốc hội đưa ý kiến xung quanh vấn đề này. Đa số ý kiến đều ngạc nhiên và cho rằng, quy định của UBND xã Thanh Hà đã trái pháp luật và đại diện UBND xã phải xin lỗi người dân khi để "lệ làng" vượt "phép nước".

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Giám đốc học viện Tư pháp): Quy định hết sức vô lý!

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà. (Ảnh: Dương Thu)

Không có quy định nào của pháp luật về việc phải đặt cọc tiền trước khi đăng ký kết hôn. UBND xã Thanh Hà áp dụng quy định này là hết sức vô lý.

Trước mắt, lãnh đạo UBND xã cần xin lỗi hai vợ chồng sắp cưới cũng như người dân và làm các thủ tục cần thiết để hợp pháp hóa hôn nhân cho họ, rút kinh nghiệm sâu sắc trong các vấn đề sau. Tôi nghĩ, cán bộ xã cần làm kiểm điểm để sau này khi tái phạm sẽ có căn cứ xử lý ở mức cao hơn.

Việc đốt pháo, đánh bạc đã có những quy định xử phạt nghiêm minh trong luật pháp hiện hành. Do vậy, không có lý do gì chính đáng để UBND xã được phép yêu cầu người dân cam kết bằng tiền “đặt cọc” như vậy.

Thêm nữa, mặc dù 2 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn nhưng với những gia đình khó khăn, thiếu 2 triệu đồng không được đăng ký kết hôn thì thật khó chấp nhận. Tôi nghĩ, chúng ta đang sống trong Nhà nước pháp quyền, tất cả mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, không thể có chuyện “phép vua thua lệ làng” một cách phi lý như vậy.

Cơ quan chức năng xem xét kỹ hành vi vi phạm, hậu quả từ quy định vô lý này để quyết định xử lý với địa phương cũng như người đã tham mưu, đề ra quy định. Tôi thấy không thuyết phục với lý do thu tiền “đặt cọc” để hạn chế cờ bạc, đốt pháo trong đám cưới. Không có bất cứ cơ sở chắc chắn nào chứng minh điều này trên thực tế.

Còn nếu thực sự là biện pháp có hiệu quả thì Chủ tịch UBND xã cũng chưa có đủ thẩm quyền để ra quy định. Cấp xã chỉ có thể kiến nghị qua các kênh khác nhau đến các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định pháp luật sao cho phù hợp. Những điều tốt đẹp cần kiến nghị để bổ sung hoàn thiện pháp luật.

Không chỉ chính quyền cấp xã mà tất cả các cơ quan, đơn vị, dù có nội quy, quy định riêng cũng phải phù hợp Hiến pháp và pháp luật.

ĐB Lê Công Nhường (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bình Định): Cán bộ xã phải xin lỗi người dân

ĐB Lê Công Nhường. (Ảnh: Dương Thu)

Là công chức chỉ được phép làm những gì mà Nhà nước quy định, còn người dân được phép làm những gì mà Nhà nước không cấm. Việc cán bộ xã tự đặt ra quy định mà Nhà nước chưa ban hành luật là không đúng.

Với những trường hợp này, cán bộ xã phải xin lỗi người dân và kiểm điểm nghiêm túc. Mặc dù có thể xuất phát từ những ý muốn tốt đẹp nhưng nhận thức như vậy là chưa đúng với bổn phận một công chức Nhà nước. Tôi cho rằng, cần kiểm điểm, phê bình nghiêm túc vấn đề này tại Đảng ủy xã.

Không phải chỉ thu tiền mới hạn chế được thói cờ bạc, rượu chè trong đám cưới hỏi. Có nhiều cách như tuyên truyền, giáo dục nhận thức của người dân, không thể lạm dụng “lệ làng” để làm những điều trái với quy định của pháp luật.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội): Không được dân ủng hộ mà tự làm là sai

ĐB Nguyễn Ngọc Phương. (Ảnh: Dương Thu)

Trên thực tế, ngoài luật còn có lệ, dưới luật có hương ước. Nhưng tất cả những gì ngoài luật như lệ đưa vào hương ước đều phải được nhân dân thảo luận, ủng hộ mới có thể triển khai trên thực tế. Còn nếu không đưa ra lấy ý kiến, không được nhân dân đồng tình mà tự làm là sai, là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm, tránh tiền lệ xấu.

Dương Thu (thực hiện)

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment