(ĐSPL) – Một nghiên cứu mới đây của EU cho biết 51 công ty từ 20 quốc gia trên thế giới đang tham gia vào “chuỗi” cung ứng vật liệu chế tạo bom cho IS.
51 công ty từ 20 quốc gia trên thế giới tham gia chuỗi cung ứng vật liệu chế tạo bom cho IS. |
Nghiên cứu này do tổ chức Conflict Armament Research (CAR) tiến hành theo sự ủy nhiệm của EU trong 20 tháng đã khuyến cáo rằng các chính phủ cũng như doanh nghiệp cần tăng cường theo dõi dòng chảy của các loại hóa chất, dây cáp và các vật liệu chế dùng để chế tạo bom khác.
Theo thông tin được công bố, có tổng cộng 51 công ty thuộc nhiều quốc gia trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mỹ đã sản xuất, bán hoặc tiếp nhận hơn 700 linh kiện được IS sử dụng để chế tạo ra các thiết bị nổ tự tạo (IED).
Hiện tại IED được IS chế tạo ở quy mô “bán công nghiệp”, sử dụng cả các thành phần thiết bị công nghiệp vốn được quản lý chặt chẽ cùng với các vật liệu thông thường như hóa chất phân bón và điện thoại di động.
Tổng cộng có 13 công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chuỗi cung ứng, nhiều nhất trong số các quốc gia liên quan; Ấn Độ xếp thứ 2 với 7 doanh nghiệp.
Ông James Bevan, giám đốc điều hành CAR cho biết: “Phát hiện này đã củng cố thêm nhận thức của quốc tế rằng IS ở Iraq và Syria tự duy trì rất mạnh mẽ - mua vũ khí và các hàng hóa chiến lược, chẳng hạn như thành tố IED ở ngay địa phương một cách dễ dàng".
Việc bán các vật liệu rất rẻ và sẵn có này ít bị giám sát hơn là mua bán vũ khí, thậm chí có nhiều vật liệu còn không cần đến giấy phép xuất khẩu.
Nghiên cứu khẳng định rằng IS có thể mua được một số thiết bị trong thời gian chỉ khoảng 1 tháng sau khi những thiết bị đó được cung cấp một cách hợp pháp tới địa phương. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong việc giám sát chuỗi cung ứng những vật liệu có thể được dùng để chế tạo bom.
Ông Bevan cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hợp tác với cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu, khiến họ không thể xác định mức độ hiệu quả của các quy định của Ankara đối với hoạt động giám sát đường đi của các thiết bị nêu trên.
CAR đã tiếp cận được với những thiết bị này thông qua các đối tác, bao gồm nhóm chiến binh người Kurd YPG được Mỹ hậu thuẫn, cảnh sát liên bang Iraq, Hội đồng an ninh vùng Kurdistan và các lực lượng của Chính quyền khu vực Kurdistan. Các vật liệu này thu được trong nhiều trận xung đột ở các thành phố al Rabia, Kirkuk, Mosul, Tikrit ở Iraq và tại thị trấn Kobani của Syria.
Hầu hết số kíp nổ, dây dẫn cùng các chốt an toàn mà nhóm nghiên cứu ghi nhận trong cuộc điều tra do 7 công ty tại Ấn Độ sản xuất. Những thiết bị này được cho là hàng xuất khẩu hợp pháp, theo giấy phép của chính phủ Ấn Độ, bán cho các tổ chức ở Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các công ty tại Brazil, Romania, Nga, Hà Lan, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Áo và Cộng hòa Séc cũng có liên quan đến việc cung cấp các thiết bị chế tạo IED.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Reuters)
Xem thêm video Tin tức:
No comments:
Post a Comment