(ĐSPL) - Từng có thời gian yêu nhau lâu, tưởng rằng khi có được một bé trai kháu khỉnh, cuộc sống vợ chồng của chị Nguyệt sẽ thêm bền chặt. Nhưng những khúc mắc trong cuộc sống thường ngày khiến gia đình nhỏ của chị đổ vỡ.
Những tưởng sau khi có phán quyết của Tòa sau phiên xử ly hôn, chị Nguyệt sẽ được thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình nhưng việc gia đình chồng cản trở gặp con… khiến người mẹ này phải nộp đơn khắp nơi, quyết tâm giành quyền nuôi con về mình sau 7 năm xa cách.
Tan vỡ
Sáng ngày 25/11, trao đổi với PV trước khi HĐXX TAND TP.Hà Nội vào xét xử giành quyền nuôi con, chị Nguyễn Minh Nguyệt (SN 1984), trú tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội giãi bày: “Tôi là giảng viên của một trường đại học, nhưng cực chẳng đã tôi mới phải đưa sự việc này ra tòa. Nếu chuyện của người lớn thì không nói làm gì. Nhưng vấn đề tôi cần pháp luật can thiệp lại là chuyện con trẻ. 7 năm qua tôi đã phải sống trong cảnh xa con, phải sống trong cảnh chịu nhiều điều tiếng”.
Cũng theo lời chị Nguyệt, sau một thời gian yêu nhau mặn nồng, chị đã lên xe hoa với anh Vũ Công Đoàn (SN 1975) trú tại quận Đống Đa, TP.Hà Nội, vốn là một kỹ sư làm việc trong tập đoàn viễn thông VNPT. Hạnh phúc nhân đôi khi anh chị có một bé trai khôi ngô, kháu khỉnh được đặt tên Vũ Xuân Tùng. Nhưng cuộc sống hạnh phúc chỉ kéo dài chưa đầy 3 năm thì đôi vợ chồng trẻ liên tục xảy ra những mâu thuẫn. “Ban đầu thì nhỏ nhặt, nhưng những bất đồng quan điểm ngày một nhiều hơn. Hai vợ chồng cãi nhau “như cơm bữa”. Thậm chí cả hai bên gia đình ra sức hòa giải khuyên ngăn nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải đưa nhau ra tòa ly hôn” – chị Nguyệt cho hay.
Theo đó, bản án ly hôn số 37/2012/HNGĐ-ST do TAND quận Đống Đa ngày 22/06/2012 đã tuyên, giao cháu Xuân Tùng cho anh Đoàn (là bố đẻ cháu) trực tiếp nuôi dưỡng. Chị Nguyệt được quyền đi lại, thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, không ai được phép ngăn cản. Tưởng rằng, khi đã có sự phán quyết của Tòa án chị Nguyệt sẽ rũ bỏ được những trở ngại, khúc mắc mà gần 3 năm qua chị phải hứng chịu. Nhưng những hiểu lầm, mâu thuẫn cùng mối quan hệ giữa hai gia đình ngày một xấu đi trông thấy.
“Cuộc chiến” của bậc sinh thành
Chị Nguyệt trình bày trước tòa: Bản thân không thực hiện được quyền của một người mẹ trong khi chồng và gia đình nhà chồng tìm mọi cách cản trở việc thăm nom con của mình. Không chỉ có vậy, gia đình anh Đoàn còn xúi giục, tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của một đứa trẻ những điều không hay về mẹ cháu bé. Do vậy, năm 2013, chị Nguyệt một lần nữa làm đơn lên tòa án quận đề nghị tòa giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nhưng một lần nữa, tâm nguyện của chị không thành hiện thực, bởi ngay trong phiên hòa giải, anh Đoàn và chị Nguyệt đã thống nhất, đưa ra một bản thỏa thuận về việc đón con, chăm sóc và thăm con. “Vì tin vào bản thỏa thuận này, tôi đã rút đơn kiện. Nhưng dần dà sự việc lại thay đổi chóng mặt. Chẳng đừng được, tôi mới đơn từ nhờ tòa giải quyết”, chị Nguyệt trình bày trước tòa. Theo đó, anh Đoàn chỉ tạo điều kiện cho chị Nguyệt trong một thời gian ngắn về việc thăm nuôi con. Đặc biệt khi gia đình anh Đoàn cắt xong hộ khẩu cho cháu Xuân Tùng thì cũng là lúc anh này thể hiện thái độ thách đố và nhắn tin không cho chị Nguyệt thăm gặp, đón con nữa. Không chỉ riêng anh Đoàn mà chị Nguyệt còn bị nhà chồng cản trở không cho gặp cháu Xuân Tùng. Không còn cách nào khác chị phải tranh thủ gặp con sau khi con tan học. Nhưng ngay đến cơ hội cuối cùng đó cũng bị ngăn cản bởi: “Khi tôi đến đón cháu thì cô giáo đã không đồng ý giao con cho tôi vì nhận được sự dặn dò của ông và bố là không cho mẹ cháu đón”, chị Nguyệt đau khổ cho biết thêm.
Một lý do nữa mà chị Nguyệt đưa ra để đòi lại quyền nuôi con là anh Đoàn hay đi làm ca, kíp, không có thời gian đón con nên phải nhờ người bán hàng nước đón cháu. Hơn nữa, anh Đoàn đã lấy vợ và cũng đã có con, nên thời gian để chăm nom, giáo dục con chắc chắn sẽ ít đi. Trong khi mình vẫn đang độc thân, bản thân là cô giáo sẽ hiểu được tâm tư, tình cảm của con, cũng như sẽ giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng con một cách tốt nhất.
Sau khi nghe những gì chị Nguyệt trình bày trước tòa, anh Đoàn một mực phủ nhận và cho rằng về phía bản thân mình cũng như gia đình mình đã tạo điều kiện cho chị Nguyệt thăm nom con như đã thỏa thuận trước tòa. Ngược lại chị Nguyệt còn hay đón con quá thời gian thăm nom như đã thỏa thuận. Còn về việc anh có gia đình mới, có sinh thêm con thì cũng không ảnh hưởng gì tới tình cảm, điều kiện mà anh dành cho cháu Tùng. Bởi 7, 8 năm một mình gà trống nuôi con thì cháu Tùng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển tốt, học tập luôn đạt thành tích cao.
Phiên tòa càng nóng lên và trình bày có phần gay gắt khi chị Nguyệt đưa ra lý do khiến chị phải dứt áo ra đi vì không thể nào sống chung một nhà với người bố chồng có hành vi không đứng đắn, thường xuyên vào phòng chị nhìn trộm... khi thì nhìn trộm chị tắm.
Và, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, khi tại chính phiên tòa ngày hôm đó, một trong hai vị luật sư bào chữa cho bị đơn là anh Đoàn lại chính là bố đẻ anh này. Hay nói cách khác chính là ông nội của cháu bé đang bị những người lớn giằng xé, giành quyền chăm nuôi, dưỡng dục. Khi nghe những lời nói thốt ra từ nguyên đơn cũng chính là cô con dâu của mình trước đây, vị luật sư này vô cùng bức xúc và phản ứng lại khá gay gắt. Ông cho rằng, gia đình ông trước giờ là gia đình gia giáo, nề nếp nên không thể có những hành vi vô liêm sỉ như người phụ nữ kia nói. “Đây là những lời nói bịa đặt và không thể chấp nhận được”, vị luật sư này bức xúc.
Vị luật sư này cũng phát biểu tại phiên tòa: “Cá chuối đắm đuối vì con” ấy vậy mà khi đứa trẻ mới được 2,5 tuổi thì người mẹ này đã từ bỏ quyền được nuôi con, để lại đứa bé còn non nớt cho anh Đoàn, một mình gà trống nuôi con 7 – 8 năm nay. Cớ sao đến bây giờ lại quay lại đặt điều vu khống đòi lại con”...
“…Trong trường hợp này cháu sẽ hận”
Theo ghi nhận của PV tại phiên tòa, nếu như không có sự nhắc nhở của vị chủ tọa thì phần trình bày đối đáp nhau chẳng khác nào cái chợ, bởi người này nói qua, người kia nói lại với những câu chuyện đầy hàm ý mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Trước những lời “tuyên chiến” của hai bên, vị chủ tọa đã nghiêm mặt phân tích: “Một đứa trẻ mới 8 tuổi đầu nhưng bị bố mẹ làm khổ, bị ông bà, công an, cô giáo cũng vì chuyện này mà nhồi nhét, giằng xé ngay tại trường học. Cái đó sẽ hằn vào trí nhớ non nớt của đứa trẻ. Sau này lớn lên, chắc gì nó đã cảm ơn bố mẹ. Con không chê cha mẹ nghèo, nhưng trong trường hợp này cháu sẽ hận. Anh chị đừng làm khổ Xuân Tùng nữa. Lẽ ra anh chị không còn yêu thương nhau nữa thì nên dồn tình yêu thương cho đứa trẻ. Nhưng hai người lại khiến sự việc trở thành nghiêm trọng khi đưa cả công an, chi hội Phụ nữ và Tòa án vào cuộc để giải quyết một vấn đề hết sức nhỏ bé, bình thường và cá nhân của hai anh chị”.
Trao đổi với PV, sau khi kết thúc phiên tòa, chị Nguyệt nghẹn ngào nói: “Cuối cùng thì mẹ con tôi cũng được đoàn viên sau gần 7 năm xa cách. Niềm vui này chẳng thể tả được bằng lời nữa rồi”. Theo đó sau khi xem xét các chứng cứ cũng như phân tích các tình tiết pháp lý, HĐXX đã quyết định giao cháu Xuân Tùng cho chị Nguyệt trực tiếp nuôi dưỡng.
Phiên tòa kết thúc nhưng vẫn không giấu được những tiếng thở dài của những người đến tham dự. Dường như trong thâm tâm của họ cùng có chung một suy nghĩ: “Không biết đây có phải là phiên tòa cuối cùng cho vấn đề giành lại quyền nuôi con của vợ chồng họ hay không?”.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
NGUYỄN BẮC – THÚY AN
Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật
No comments:
Post a Comment