(ĐSPL) - Nuốt nước mắt, bà tiễn chồng lên đường ra chiến trận để rồi đau đớn nhận về tới 4 giấy báo tử. Nhưng linh tính như mách bảo người đàn bà “vọng phu” ấy vẫn giữ niềm tin rằng, một ngày chồng mình sẽ trở về. Và rồi niềm vui đã vỡ òa khi ông trở về trong sự bất ngờ của mọi người.
Đó là câu chuyện như cổ tích của vợ chồng nguyên Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn và bà Nguyễn Thị Thất (ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).
Hai vợ chồng ông Ngoạn hạnh phúc bên nhau. - Ảnh: Công An Nhân Dân. |
Liên tiếp 4 lần nhận giấy báo tử
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song vợ chồng ông Đỗ Trọng Ngoạn (SN 1983, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI) vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Trong căn nhà khiêm nhường nằm sâu ở một con ngõ nhỏ, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng vào sinh ra tử và chuyện tình cảm động của mình. Vừa nói, ông vừa nhìn vợ một cách trìu mến và bảo: “Bà Thất vốn là bạn thân của em gái tôi. Bà thường xuyên qua chơi nên chúng tôi như người nhà. 16 tuổi, tôi tham gia cách mạng. Thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, bà Thất thường sang chơi. Tình cảm cứ thế lớn dần lên, tôi thương bà ấy lúc nào không hay. Bà Thất kém tôi 2 tuổi, lại hiền lành, ngoan ngoãn nên được cả gia đình tôi yêu quý. Không lâu sau, chúng tôi làm đám cưới”.
Chia sẻ với chúng tôi về cái duyên đến với cách mạng, ông bảo, ngày còn nhỏ, gia đình nghèo ông phải đi ở cho me Tây. Một ngày trước Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã cởi bỏ chiếc áo ném thẳng vào mặt me Tây để đi theo cách mạng. “Tôi xin nhập ngũ và được giữ chức tiểu đội phó vì tôi biết chữ. Ngày đó, chủ yếu nông dân tham gia cách mạng nên có mấy ai biết chữ. Ngoài nhiệm vụ nhà binh, đến tối tôi lại dạy văn hóa cho anh em”, ông Ngoạn nhớ lại.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ khốc liệt nhất, ông Ngoạn được tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Nói về ngày chồng chuẩn bị vào chiến trường, bà Nguyễn Thị Thất vẫn nhớ như in. Trong thâm tâm, bà không muốn chồng đi bởi những năm tháng chiến tranh khói lửa ấy, có biết bao người ra đi không bao giờ trở về. Bà Thất chia sẻ: “Nhìn những người cùng quê vào chiến trường Quảng Trị gần như không có ai trở về mà tôi thấy lo sợ. Nhưng lúc đó tôi chỉ biết động viên ông giữ gìn sức khỏe và an tâm chiến đấu để ông vững tin cất bước, hoàn thành nghĩa vụ với đất nước rồi trở về”.
Cũng như bao người vợ khác, bà Thất chỉ mong chồng được bình an, chân cứng đá mềm và trở về với gia đình khi hòa bình lập lại. Hàng ngày bà vẫn miệt mài lao động, thay ông nuôi các con trưởng thành, chờ ngày đất nước thống nhất. Nghe bà kể, ông xúc động ứa nước mắt. Đôi bàn tay đã nhăn nheo theo thời gian của ông nắm lấy tay bà như để cảm ơn. Ông Ngoạn nói: “Bước chân đi, tôi đã xác định sẽ hy sinh, bởi chiến trường Quảng Trị đã đi không hẹn ngày trở lại. Nhìn vợ và các con còn nhỏ, tôi khó kìm lòng, nhưng nhiệm vụ trên giao phải hoàn thành, phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Để vợ con yên tâm, tôi hứa ngày đất nước hòa bình sẽ trở về”.
Đặc biệt, từ ngày vào chiến trường, ông Ngoạn không viết thư về nhà thông báo tình hình. Trong những ngày địch đánh phá ác liệt chiến trường Quảng Trị, nghe tin đơn vị của chồng bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều, bà đã rất lo lắng. Thời gian cứ thế trôi đi, ông Ngoạn vẫn biền biệt không có tin tức gì. Cho đến năm 1968, bà nhận được giấy báo tử của chồng từ đơn vị gửi về. Ngày ông đi, bà đã xác định không gặp lại, nhưng bà không muốn nhận tờ giấy đó. Nhắc đến đây, giọng bà như nghẹn lại: “Tôi đang làm ngoài ruộng thì nhận được giấy báo tử nói rõ ông Đỗ Trọng Ngoạn đã hy sinh trong một trận truy quét của địch. Cầm tờ giấy báo tử, tai tôi ù đi rồi ngất lịm, không biết gì nữa”.
Tưởng như lúc đó, bà không thể đứng lên từ nỗi đau, nhưng nghĩ đến các con, bà lại cố gắng gượng sống. “Con tôi đã mất cha, tôi không thể để chúng chịu thêm một nỗi đau nào nữa. Nuốt nước mắt vào trong, tôi lại lao vào công việc nhưng vẫn mong có sự nhầm lẫn, ông Ngoạn sẽ trở về. Nỗi đau chưa nguôi, năm sau, bà nhận giấy báo tử của chồng. Vết thương đang dần lành lại một lần nữa rớm máu. Đôi vai gầy của người vợ trẻ lại rung lên trong đau đớn. Dù không tin một người đã hai lần đơn vị gửi giấy báo tử còn sống, nhưng bà Thất vẫn gạt đau thương sang một bên, lập bàn thờ chồng rồi nhang khói cẩn thận. “Dù ông ấy có hy sinh, tôi mong ông ấy hiểu tôi vẫn một lòng thủy chung và nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Nếu may mắn ngày nào đó ông ấy sẽ trở về", bà Thất nói trong nước mắt.
Điều không thể ngờ, không lâu sau, bà Thất liên tiếp 2 lần nữa nhận được tin chồng hy sinh trên chiến trường. Giấy báo tử gửi về tận nhà đề tên liệt sỹ Đỗ Trọng Ngoạn. Như có một sự linh cảm đến kỳ lạ, bà càng tin rằng chồng mình vẫn còn sống và đang chiến đấu ở chiến trường. Nhiều người biết chuyện cũng lấy làm lạ và khuyên bà nên bình tâm lại làm ăn biết đâu đó là sự nhầm lẫn nên mới có hiện tượng gửi 4 giấy báo tử cho một người như thế.
Trở về từ cõi chết
Tham gia trận đánh Mậu Thân ác liệt, ông Ngoạn bị thương nặng phải chuyển ra Bắc điều trị. Vết thương quá nặng, ông không thể trở lại chiến trường nên được chuyển công tác ra Bắc luôn. Trên đường từ cơ quan trở về, trong lòng ông Ngoạn cứ rạo rực mong sao xe chạy thật nhanh để ông có thể được gặp vợ con. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi ông vừa vào tới nhà, vợ ông, bà Thất đã hét toáng lên vì nghĩ ông là... ma. “Lúc tôi về đến nhà khoảng hơn 18h, trời mùa đông âm u nên nhanh tối. Thấy tôi, cả mẹ và vợ tôi đều hét toáng lên: Ma ma. Vợ tôi còn chạy lại gần véo tay, sờ tóc xem là người hay ma. Thấy vậy, hàng xóm cũng hò nhau chạy tới. Nhiều người bảo tôi đúng là từ cõi chết trở về”, ông Ngoạn kể.
Khi đó, ông Ngoạn mới được nghe kể về chuyện bà Thất đã nhận 4 lần giấy báo tử của ông. Ông bảo rằng, chiến trường vô cùng ác liệt. Đặc biệt là trận đánh Mậu Thân 1968, có khi cả tiểu đoàn bị xóa sổ. Tiểu đoàn của ông nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người bị thương nặng. “Chuyện gửi giấy báo tử nhầm cũng dễ hiểu. Bởi trong những trận đánh ác liệt ấy có quá nhiều người hy sinh. Người ta nghĩ tôi cũng trong số ấy nên gửi giấy báo tử về gia đình”, ông Ngoạn cho hay. Trở về nhà, thấy các con khôn lớn, ngoan ngoãn, ông Ngoạn càng cảm phục nỗ lực của người vợ. Cả gia đình được đoàn tụ, họ hàng đến chúc mừng, sự trở về bình an của ông, kỳ diệu như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Vị Đại biểu Quốc hội không sợ bị ghét
“Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” là câu được mọi người nói về bốn vị Đại biểu dám nói thẳng, nói thật ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI. Và trong số các Đại biểu đó thì ông Đỗ Trọng Ngoạn được xếp hàng đầu. Ông nổi tiếng là người luôn nói thẳng, nói thật. Bảng “xếp hạng” đó có lẽ nói lên phần nào tính cách của ông trên nghị trường Quốc hội. Dù chỉ tham gia một khóa duy nhất nhưng Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lòng cử tri cả nước. Đến nay, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhắc đến các kỳ họp Quốc hội, ông vẫn rất quan tâm và trăn trở. “Đã là Đại biểu được dân bầu thì phải đấu tranh, dám nói thẳng, nói thật với cái xấu cái ác, để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Còn không dám đối mặt với cái sai, cái ác thì không xứng làm Đại biểu Quốc hội thay mặt cho nhân dân”, ông Đỗ Trọng Ngoạn thẳng thắn nói.
VŨ PHƯƠNG- TRUNG DŨNG
Video tin tức được xem nhiều: