Monday, November 30, 2015

Bị vạch mặt, ‘Trái tim Việt Nam’ vẫn ngang nhiên nhử mồi dân nghèo

- Dù đã bị “vạch mặt” ở nhiều địa phương nhưng tại Nghệ An, hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (đơn vị tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam) vẫn diễn ra bình thường.

Sáng 28/11, PV VietNamNet đã tìm đến Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới chi nhánh ở Nghệ An, có trụ sở tại HTX Phong Toàn, P.Hà Huy Tập (TP.Vinh). Mọi hoạt động của Trung tâm ở thời điểm này vẫn diễn ra bình thường.

Dụ dỗ và gây dựng lòng tin

Trung tâm này hoạt động tại Nghệ An từ giữa 2015, có nhiều thành viên và hiện đã tỏa đến các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Hưng Nguyên, TP.Vinh.

Chiêu thức “dụ dỗ” người dân Nghệ An tham gia cũng y hệt như cách đã được Trung tâm này sử dụng ở một loạt địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, …

Riêng tại Nghệ An, do thông tin chưa có nhiều nên người dân vẫn đang tin tưởng vào những lời “đường mật” mà Trung tâm này đưa ra.

Trái tim Việt Nam, đa cấp, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, Nông thôn mới, bán hàng đa cấp

Hội viên của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (chi nhánh Nghệ An) vẫn làm việc bình thường trong sáng 28/11.

Ông Hoàng Khắc Lai (phường Hồng Sơn, TP.Vinh) cho biết ngày 20/7/2015 ông được một người tên Nguyễn Văn Chới giới thiệu tham gia chương trình ''Trái tim Việt Nam''. Bước đầu, ông Lai đóng số tiền 1,2 triệu đồng để được nhận lại 5,250 triệu đồng (trong 19 tháng sau đó).

Ngày 15/8 ông Lai nhận được 50 ngàn đồng đợt 1. Đợt 2 ông nhận được 200 ngàn đồng và đợt 3 (15/10) là 500 ngàn đồng. Cứ thế, Trung tâm hứa mỗi tháng đều đặn, ông Lai sẽ nhận được 300 ngàn đồng. Trong quá trình này, mỗi hội viên nếu giới thiệu thêm được một người tham gia sẽ nhận được 500 ngàn đồng.

''Lúc đầu tôi chưa tin lắm, ngay cả vợ tôi cũng bảo không tham gia. Nhưng càng tìm hiểu tôi càng tin. Đến hết tháng thứ 19 sẽ nhận được 5,7 triệu đồng” - ông Lai tự tin nói.

Ông Hồ Sỹ Thanh (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn) cho biết hầu hết người tham gia chương trình ''Trái tim Việt Nam'' ở Nghệ An là những người lớn tuổi, không có việc làm ổn định vì tin là có thể ''thoát nghèo''. Bản thân ông Thanh đã giới thiệu thêm 3 người khác tham gia.

To tiếng mới đòi được tiền

Thực tế không phải ai tham gia chương trình cũng nhận được tiền như đã hứa. Chị Cao Thị H., xóm 10, xã Nghi Kim (TP Vinh) cho biết bản thân chị đã mấy lần to tiếng với Trung tâm. Nhân viên hứa khi chị tham gia sẽ được nhận một hộp thuốc trị giá 350 ngàn đồng hoặc thuốc bơm cho rau quả trị giá 400 ngàn đồng nhưng chị chưa nhận được.

Trái tim Việt Nam, đa cấp, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, Nông thôn mới, bán hàng đa cấp

Trụ sở Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (chi nhánh Nghệ An). Ảnh chụp ngày 28/11.

Chị này kể tiếp, theo quy định, sau khi đóng 1,2 triệu thì giai đoạn 1 được hỗ trợ 50.000; giai đoạn 2 được 200.000 và giai đoạn 5 thì nhận 3 triệu đồng. Tháng đầu không đi nhận tiền nhưng tháng thứ 2 chị này cũng chỉ được nhận 50 ngàn đồng. Khi hỏi thì chị H. được nhân viên giải thích là lỗi ''do mạng''.

Ngày 19/11, chị H. đến nhận tiền không được nên đã to tiếng với nhân viên. Bị làm căng, một đại diện ở trung tâm đã bỏ tiền cá nhân trả cho 7 người đến nhận tiền hơn 3 triệu đồng.

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm hứa những người nghèo sẽ được hỗ trợ tiền xây nhà khoảng 50 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, từ khi trung tâm này xuất hiện ở Nghệ An, chưa có bất kỳ một gia đình nào được hỗ trợ xây dựng số tiền trên để xây nhà.

Cảnh giác bị lừa

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đinh Thanh Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, vào ngày 22/8/2015 có 4 người đến làm việc với lãnh đạo UBND huyện và ông được mời tham dự, trong đó có một người tự xưng là ''nhà báo''.

Nhiều đơn thư phản ánh

Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Nghệ An cho biết, đơn vị này đã nhận nhiều đơn thư của người đân phản ánh về Trung tâm trên. Điều tra ban đầu cho thấy Trung tâm vi phạm trong lĩnh vực hành chính.

Hiện tại, công an vẫn tiếp tục điều tra xem Trung tâm có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không.

''Họ đưa ra nhiều công văn hỏa tốc cho thấy các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã chỉ đạo chương trình xuống cấp cơ sở. Trong buổi làm việc, những người đại diện đã đề nghị xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa ở xã Nghi Lâm về chương trình xây dựng nông thôn mới'' - ông Trang kể.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, người trực tiếp làm việc với những người trong chương trình “Trái tim Việt Nam” cho biết, nghe qua thì chương trình có vẻ mang tính nhân đạo.

''Thời điểm đó không nghĩ là họ sẽ vận động quyên góp tiền đa cấp, nhưng nhận thấy chương trình có điểm không phù hợp nên đã chỉ đạo các phòng chức năng không được phối hợp tuyên truyền vận động'' - ông Hải nói.

Ông Trần Văn Hường (Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An) cho biết thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Việt Hồng đã chỉ đạo tuyên truyền quán triệt đến các cấp tránh để bị lừa và không được thực hiện khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An.

Nhiều dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản”

Trao đổi với VietNamNet, LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng VP luật sư Trọng Hải & Cộng sự (Đoàn luật sư Nghệ An) cho biết: Hoạt động ở trung tâm có những điều không bình thường. Việc lấy danh nghĩa hỗ trợ người nghèo nhưng hoat động tín dụng dưới hình thức đa cấp là trái pháp luật.

Nghiêm trọng hơn, chương trình còn lợi dụng uy tín của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phù phép, tạo lòng tin cho những người tham gia là không thể chấp nhận.

Gần đây nhất, ngày 23/11/2015, Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản cảnh báo người dân cảnh giác không tham gia chương trình. Có thể khẳng định hoạt động của chương trình này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Quốc Huy - Văn Nguyễn

Trái tim Việt Nam, đa cấp, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, Nông thôn mới, bán hàng đa cấp

Giá gas tiếp tục tăng từ 1/12

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh gas, từ 1/12, giá gas sẽ tăng 1.276 đồng/kg tại Hà Nội và 1.375 đồng tại TP HCM.

Các doanh nghiệp gas tại Hà Nội và TP HCM cho biết, giá bán lẻ gas sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1/12. Cụ thể, mức tăng tại Hà Nội là 1.276 đồng/kg (tương đương 15.300 đồng/bình 12 kg) và tại TP Hồ Chí Minh là 1.375 đồng/kg (16.500 đồng/bình 12 kg).

Hình ảnh minh họa. 

Đại diện kinh doanh gas Saigon Petro cho biết, từ 1/12, giá bán lẻ tại thị trường TP HCM là 308.500 đồng/bình 12kg.

Về nguyên nhân giá gas tăng, đại diện Saigon Petro cho biết, giá tăng theo thế giới. Tháng 12/2015, giá gas thế giới là 467,5 USD/tấn, tăng 52,5 USD/tấn so với tháng 11/2015.

Tại Hà Nội, nhiều chủ đại lý gas cho biết, giá gas bán ra từ 1/12 sẽ tăng, mức cụ thể là 1.276 đồng/kg tương đương 15.300 đồng/bình 12 kg. Giá gas bán lẻ tại Hà Nội áp dụng từ 1/12 là 314.000 đồng/bình 12 kg.

Tháng 11, giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 10.

Kinh ngạc khả năng sống sót của oanh tạc cơ B-17 Mỹ

Máy bay ném bom B-17 Flying Fortress của Không quân Mỹ xứng đáng là máy bay "may mắn" nhất lịch sử chiến tranh. Trong số hàng trăm nghìn phi vụ không kích, B-17 dù bị vỡ nát đầu, thân, cánh nhưng lại vẫn có thể bay trở về căn cứ an toàn. Trong ảnh, chiếc B-17 số hiệu 43-38172 bị pháo Đức bắn nát phần mũi nhưng vẫn lết được về căn cứ, đáng tiếc là sĩ quan ném bom đã thiệt mạng. Phần đuôi của máy bay B-17 này do va chạm với một máy bay khác dẫn đến hư hỏng, cánh đuôi ngang bên trái bị lìa ra, tuy nhiên vẫn bay được tới căn cứ. Phần thân máy bay tiếp nối với cánh chính bị vỡ nát nhưng chiếc B-17 này vẫn về tới "nhà". Đuôi máy bay B-17 bị pháo phòng không bắn nát, giết chết xạ thủ đuôi. Thủng thân nhưng vẫn về được sân bay. Mất một phần cánh cũng chẳng là gì! Còn đây, chính B-17 này bị mất cánh đuôi ngang bên trái nhưng vẫn hoạt động ổn định. Tất nhiên, không phải lúc nào "thần may mắn" cũng đứng cạnh B-17 - khoảnh khắc kinh hoàng chiếc B-17 bị bay đầu, dù động cơ vẫn hoạt động nhưng máy bay đang trên đà lao xuống đất. Bức ảnh khiến người xem phải "lạnh gáy" - khoảnh khắc một bên cánh chiếc B-17 đứt lìa khỏi thân. Mất cánh, máy bay không có khả năng nào để sống sót. Chiếc B-17 bốc cháy dữ dội trên không sau khi bị bắn trúng thùng nhiên liệu. Trong suốt 9 năm (1936-1945), Mỹ đã sản xuất tổng cộng 12.731 chiếc máy bay ném bom B-17 và triển khai tham chiến ở khắp chiến trường châu Âu. Trong 1,5 triệu tấn bom được quân đồng minh ném xuống nước Đức, thì có tới 640.000 tấn bom được thả từ B-17. B-17 được xem là một trong những máy bay ném bom lớn nhất nước Mỹ và lớn nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nó có trọng lượng cất cánh tối đa tới 29,7 tấn, dài 22,66m, rộng 5,82m, sải cánh 31,62m. Để đưa "pháo đài bay" trên bầu trời, Boeing đã trang bị cho nó 4 động cơ tuốc bin tăng áp R-1820-97 (công suất 1.200 mã lực/chiếc) cho tốc độ tối đa 462km/h, tầm bay 3.000km với tải trọng 2,7 tấn bom, tải trọng tổng thể là 7,8 tấn bom. Thời bấy giờ, các tiêm kích thường có tầm bay ngắn, khó hộ tống B-17 ở tầm bay xa nên các phi đội B-17 thường xuyên phải bay trong tình trạng không có bảo vệ. Chính vì thế, trên máy bay được trang bị tới 13 khẩu đại liên 12,7mm (bố trí ở khắp thân máy bay) nhằm chống máy bay tiêm kích. Trong ảnh: có thể thấy rõ là đầu mũi máy bay có tới 3-4 khẩu, dưới bụng có 2 khẩu, đuôi có 2 khẩu, hai bên thân có 2 khẩu.

Ngày mai (1/12), xử vụ "đưa, nhận hối lộ" tại Trạm 56

(ĐSPL) - Ngày mai (1/12) TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án “đưa, nhận hối lộ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 56 (gọi tắt Trạm 56) - tỉnh Đắk Nông” ra xét xử.

Dẫn nguồn báo Người đưa tin, sau hơn 2 tháng điều tra bổ sung, Viện KSND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can về các hành vi “đưa, nhận hối lộ”.

Theo thông báo của TAND tỉnh Đắk Nông, ngày 1/12 TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án “đưa, nhận hối lộ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 56 - tỉnh Đắk Nông” ra xét xử.

Bị cáo Lê Đình Trọng (40 tuổi, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông) bị truy tố tội “nhận hối lộ”. Các bị cáo Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Công ty TNHH Hiệp Toàn; trụ sở TP. HCM) và Nguyễn Xuân Chung (39 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk; nhân viên Công ty TNHH vận tải Phước Hòa) cùng bị truy tố về tội “đưa hối lộ”.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: báo Người lao động

Liên quan đến vụ việc, báo Người lao động cho biết, theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2013, quá trình kiểm tra xe quá tải trọng trên đường từ lối mở 751 ra Quốc lộ 14, đội Thanh tra giao thông do Lê Đình Trọng phụ trách phát hiện 4 xe container của Công ty TNHH Hiệp Toàn chở quá tải. Đội Thanh tra giao thông đã tạm giữ 4 xe 3-4 ngày, rồi cho đi mà không xử phạt hành chính với lý do vi phạm lần đầu. Từ vụ việc này, Toàn đặt vấn đề nhờ Trọng giúp đỡ trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Đến cuối tháng 3/2014, Trọng gọi điện cho Toàn nói “bồi dưỡng anh em ít tiền đi tập huấn ở Đà Lạt”. Toàn đã nhờ em vợ là Phạm Hồng Thái chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản của Trọng.

Tiếp đến ngày 15/5/2014, Trọng gọi điện nói: “đang bị bệnh, khó khăn cần tiền sử dụng", Toàn nhờ vợ chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản của Trọng và ghi nội dung chuyển là “Thanh toán tiền luật trên đường”. Nhờ vậy, từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty TNHH Hiệp Toàn đã vận chuyển 89 chuyến dầu ăn và 99 chuyến chở gỗ đều quá tải trọng mà không bị kiểm tra, xỷ lý vi phạm.

Từ nhiều nguồn tin có việc đưa, nhận tiền tại Trạm 56, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc điều tra phát hiện sự việc như trên.

Cũng theo báo Người đưa tin, sau khi có kết luận điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ qua VKSND cùng cấp truy tố những bị can có liên quan.

Tuy nhiên, VKSND tỉnh Đắk Nông trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì có nhiều điều chưa được làm rõ. 

Ngày 19/8 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử và tiếp tục trả hồ sơ về cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết quan trọng của vụ án.

Sau gần 2 tháng thực hiện điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND tỉnh Đắk Nông, cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông đã ký bản “Kết luận điều ra bổ sung” lần 2 số 101/BKLĐTBS- PC46 ngày 8/10/2015.

Kết luận điều tra bổ sung lần hai này chỉ có một điểm mới so với kết luận điều tra bổ sung lần một đó là cơ quan này không xác định cụ thể Trọng là người bỏ qua, không xử lý vi phạm đối với các xe quá tải của công ty Hiệp Toàn, thay vào đó là tập thể TTGT Sở GTVT tỉnh Đắk Nông.

Từ kết luận điều tra lần 2 này, VKSND tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can Lê Đình Trọng; Nguyễn Xuân Chung và Nguyễn Trọng Toàn về hành vi “Đưa, nhận hối lộ”.

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Em đâm anh trai tử vong vì mâu thuẫn trong lúc uống rượu

(ĐSPL) – Mâu thuẫn trong lúc uống rượu, Thu dùng dao đâm anh trai tử vong.

Tin tức từ Công an tỉnh Phú Thọ, đơn vị đang tạm giữ đối tượng Lê Văn Thu (trú tại xã Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ) để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân là anh Lê Văn Th. – anh trai của Thu.

Theo đó, trưa ngày 28/11, hai anh em Thu có ngồi uống rượu với nhau tại căn nhà của gia đình.

Trong lúc uống rượu, hai anh em Thu xảy ra mâu thuẫn. Do đang có men trong người, không làm chủ được hành vi, Thu dùng dao đâm anh trai.

Anh Th. bị đâm bất ngờ nên không kịp phản ứng và tử vong ngay sau đó do vết thương quá nặng.

Sự việc xảy ra, Công an xã Tam Sơn đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để bảo vệ hiện trường đồng thời thông báo cơ quan cấp trên.

Theo tìm hiểu, cả hai anh em Thu đã lập gia đình. Vợ của Lê Văn Thu mới sinh con được hơn một tháng.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

NHÂN NHÂN

Xem thêm: 

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Xe không chính chủ, phạt nguội như thế nào?

(ĐSPL) -  Nhằm nâng cao ý thức chho người tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông, đầu tháng 12/2015, CSGT Hà Nội tiến hành hình thức phạt nguội.

Từ 01/12, Phòng CSGT đẩy mạnh triển khai hình thức phạt nguội – gửi thông báo nộp phạt về nơi cư trú đối với các hành vi vi phạm giao thông.

Trung tá Huỳnh Tấn Nam – Đội trưởng đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông đã có cuộc trao đổi với PV về vấn đề này.

Thưa ông, ngày mai bắt đầu triển khai hình thức phạt nguội, vậy Cơ quan đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Trung tá Huỳnh Tấn Nam – Đội trưởng đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông

Công tác chuẩn bị gồm thiết bị và con người. Thực tế việc này đã làm từ hơn nửa năm nay, bây giờ chỉ thêm bước gửi thông báo ấy về nơi cư trú của người vi phạm và chờ người ta đến để giải quyết. Chiến dịch này ra quân không rầm rộ như các chương trình khác mà nó chỉ kiểm tra dữ liệu, xác minh ở trong phòng rồi mới gửi về cho người vi phạm.

Vậy đối với các xe ngoại tỉnh hay xe không chính chủ sẽ có chế tài xử lý như thế nào?

Đối với các trường hợp này thì Cơ quan sẽ gửi danh sách về các đội tuần tra để các cán bộ chiến sĩ khi tuần tra có điều kiện phát hiện có thể xử lý.

Xe tỉnh ngoài sẽ gửi danh sách về Phòng CSGT của tỉnh đó cùng phối hợp xử lý. Ngoài ra còn gửi về các điểm đăng ký xe để khi các xe đó đi sang tên đổi chủ sẽ có các biện pháp để họ thực thi trách nhiệm đối với sai phạm.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội.

Khung hình phạt sẽ áp dụng theo quy định của Luật giao thông đường bộ, tức là như hình thức phạt trực tiếp.

Khi gửi thông báo phạt về cho người vi phạm thì có kèm bằng chứng vi phạm chứng minh kèm theo không? Nếu có thì theo hình thức nào?

Khi người vi phạm đến thì họ sẽ được xem tất cả. Còn cơ quan chỉ gửi thông báo phạt.

Vậy địa bàn áp dụng của kế hoạch này ra sao?

Trước mắt sẽ tập trung áp dụng ở các quận nội thành, các tuyến trọng điểm, những nơi có địa hình phức tạp.

Hệ thống camera sẽ được bảo dưỡng thế nào để đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả?

Hệ thống camera sẽ có quy trình quản lý đảm bảo đủ các yếu tố về kỹ thuật, đảm bảo rõ ràng, chính xác và khách quan.

Vâng, xin cảm ơn ông!

NGỌC BÉ - HOA TRẦN

Xem thêm: 

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Vụ nữ sinh cấp 3 bị hành hung: Nạn nhân bị đánh nhầm?

(ĐSPL) - Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip quay cảnh một nữ sinh bị một nhóm phụ nữ lao vào đánh đập và chửi bới gây nhiều phẫn nộ.

 Em Nguyễn Thị T. học sinh trường THPT Hương Khê bị một nhòm người hành hung. Ảnh cắt từ clip.

Liên quan đến sự việc này, PV đã liên hệ với thầy giáo Phan Văn Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Hương Khê để tìm hiểu. Ông Toàn xác nhận: “Đúng là học sinh trường cấp 3 Hương Khê bị đánh. Em Nguyễn Thị T. là học sinh lớp 12 tại trường bị một nhóm người ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê hành hung nhầm”.

"Ngay sau khi xảy ra sự việc chúng tôi đã làm việc với em T. và mời các đối tượng đánh em này lên làm việc nhưng họ chưa lên. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để làm rõ nguyên nhân việc này", ông Toàn thông tin.

Trường THPT Hương Khê nơi em T. đang theo học.

Một cán bộ điều tra Công an huyện Hương Khê Cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin và đang tiếp tục điều tra làm rõ, tùy theo mức độ để xử lý theo đúng pháp luật. Dù đánh đúng đối tượng hay nhầm thì việc hành hung như vậy là sai, cần phải xử lý nghiêm. Đủ yếu tố cấu thành tội phạm chúng tôi sẻ khởi tố vụ án hình sự”.

Nạn nhân trong vụ bạo hành, em Nguyễn Thị T. cho rằng bản thân mình không hề có mâu thuẫn với ai nhưng nhóm người kia (chỉ nhóm phụ nữ hành hung - PV) cứ lao vào giằng co, chửi bới đánh đấm.

Được biết, sau sự việc này, tâm trạng em T. hết sức hoang mang, lo sợ dẫn đến học tập sa sút.

Hiện, Công an huyện Hương Khê đang phối hợp với nhà trường cùng em T. để tìm ra các đối tượng hành hung gây phẫn nộ dư luận thời gian qua.

HỒ THẮNG

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật